Rau Tự Nhiên xin chào Quý Bằng Hữu! Cửa hàng rau Tư nhiên xin giới thiệu một loài rau dân dã rất quen thuộc đến dân Việt, đó là rau Má. Hihi, các bạn đừng vội nghĩ ngay câu "Dân Thanh Hóa, ăn rau Má, phá đường tàu" nhé. Cửa hàng sẽ không bàn đến những câu nói hư hư thực thực ấy. Nhưng có những dòng thơ do chính những người con xứ Thanh viết nên để giải thích tên của loài rau đã gắn liền với con người và vùng đất ấy. Mời quý bằng hữu đọc thơ bên dưới:

SỰ TÍCH CÂY RAU MÁ

Ngày xưa từ rất xưa
Trên mảnh đất Thanh hoá
Có một loài rau lạ
Mọc trên ngọn núi đá
Trong chiến tranh tơi tả
Người dân ta đói lả
 Chẳng có gì ăn cả
Nên được các Mẹ già
Hái về loài rau lạ
Cứu đói cho dân ta
Thoát qua cơn đói lả
Dành độc Lập nước nhà
Bao nhiêu người đã ngã
Các mẹ đã đi xa
Người xứ Thanh chúng ta
Nhớ Ơn các Mẹ già
Đặt tên loài rau lạ

Được gọi là Rau Má 
(sưu tầm)


Tuy nhiên có một điểm hài hước là người Thanh Hóa lại không gọi người Mẹ là "Má", mà gọi là "Mạ" hay "Mệ".Nhưng tại sao lại gọi là rau Má mà không phải rau Ba hay rau Mợ? Có lẽ vì rau này có sức sống mãnh liệt, thích nghi tốt với sự thay đổi khí hậu và nhờ vậy nhiều người nông dân thoát khỏi cảnh chết đói. Hình ảnh ấy có lẽ gợi lên hình ảnh chịu thương chịu khó của người mẹ, nuôi sống gia đình? Nhưng có thể lấy tiếng gọi mẹ của một vùng miền mà dùng chung cho cả nước thì vẫn có điểm nghi vấn. 

Hình dáng của lá rau Má tròn tròn như bầu bĩnh như đôi má của trẻ con. Có phải vì vậy người xưa nhìn đặc điểm của cái lá để gọi tên? Về tên gọi của rau Má sẽ để dành cho quý bằng hữu góp ý thêm cho trang Rau Tự Nhiên vậy.

Lá rau Má màu xanh, phiến lá có hình thận hay hơi tròn, mép khía tai bèo, có gân hình nhánh tẻ và nổi rõ. Thân cây hình dây, có mấu rễ và cây sẽ đẻ nhánh tại các mấu. Tuy cây có hoa (lưỡng tính) và tạo quả thường vào tháng 4 đến tháng 6 nhưng rau Má thường nhảy nhánh (sinh sản vô tính) nên tốc độ sinh trưởng của rau Má rất cao. Rau Má dại thường mọc lẫn cùng với các loại cỏ khác ở khắp nơi, dưới tán cây, mương, rạch, ưa ẩm,..



Có sự khác nhau giữa hình dáng rau Má như to hay nhỏ, cao hay thấp, khằn hay mướt... là do sự khác nhau giữa các vùng khí hậu, đất đai thổ nhưỡng, hình thức canh tác hay mọc tự nhiên...và kèm theo đó là vị rau cũng sẽ khác nhau, ngon hay không tùy vào cảm nhận người dùng và cách chế biến.

 


Có một điểm Cửa hàng Rau Tự Nhiên muốn chia sẻ ở đây là trước khi chúng ta gọi cây, cỏ là "Rau" là "Thuốc" thì nó vốn là cây, cỏ hoang, chẳng ai biết tên chúng là gì. Người xưa trong quá trình sinh sống từ du canh du cư họ có sự chọn lọc dần cho mình những thứ ăn được và không ăn được. Quá trình ấy vẫn tiếp tục kể cả khi chuyển sang đời sống định cư. Họ bắt đầu thuần và bắt nhốt thú những con vật hiền lành dễ dạy nuôi quanh nơi họ ở. Thực vật cũng vậy, ban đầu cũng dùng làm thức ăn cho gia súc nhưng dần dần vì nhiều nguyên nhân: phát hiện, chọn lọc tự nhiên...chuyển sang làm thức ăn cho người, đặt tên và trồng quanh khu mình ở và gọi chung là "Rau" (vì sao có tên "Rau" chắc Cửa Hàng Rau Tự Nhiên hẹn các bạn ở bài khác).

Hiện nay trên thị trường đang rộ lên cây "Cỏ Đồng Tiền", nó là rau Má của Trung Quốc, có hình dáng tương tự, màu xanh đậm, lá dày, bóng láng hơn, gân lá xuất phát từ tâm lá nhưng đường gân nhạt và thẳng. Tên này xuất phát từ hình dáng của lá tròn như đồng xu. Cỏ Đồng Tiền hiện đang được người dân ưa chuộng dùng làm phong thủy. Có nhiều người nói rằng Cỏ này không ăn được vì nó đắng; có lẽ vì vậy mà tên của nó chỉ là "cỏ". 





Chế biến: Rau Má thường được dùng để ăn sống, nấu canh, ăn lẩu, giải khát. Nước giải khát rau má xay chung với đậu xanh thường được ưa chuộng hơn nước rau má nguyên chất. 
Ngoài công dụng làm thức ăn và giải khát, rau Má  còn được sử dụng trong chữa lành các vết thương ngoài da, trị sẹo, giảm tăng huyết áp, giảm lo lắng và trị mất ngủ...

Trân trọng
 


Bài sau
« Prev Post
Bài sau
Next Post »

BẠN NHẬN XÉT

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.