Trung tâm Rau Tự nhiên xin kính chào quý bằng hữu.Trung tâm xin giới thiệu đến quý bằng hữu rau Muống Tự nhiên - một rau rất quen thuộc với từng gia đình Việt Nam. Ở bài viết này, TT. Rau Tự nhiên cũng sẽ đề cập rất ít đến công dụng của rau Muống vì bằng hữu cũng sẽ dễ dàng tìm thấy bất kì trên các website khi gõ chữ ''rau Muống'' trên các trang tìm kiếm như Google hay Fire Fox hay Cốc Cốc..., TT. Rau Tự nhiên chỉ nhắc lại những về những câu ca dao tục ngữ của người xưa họ khi họ lưu truyền kinh nghiệm về ăn uống theo mùa, cách chọn rau, và xen lồng những câu chuyện tình cảm giống như món ăn với nước chấm luôn đi đôi với nhau. Người xưa sống là thế, còn chúng ta hiện nay sống trong dư thừa, trái mùa, chỉ theo nhu cầu (muốn) nên hầu như thấy khó khăn trong việc phân biệt rau tự nhiên, rau hữu cơ hay rau có sử dụng thuốc...

Trong câu ca dao có câu:

''Cuối thu trồng cải, trồng cần,
Ăn rong sáu tháng cuối xuân thời tàn,
Bấy giờ rau muống đã lan,
Lại ăn cho đến thu tàn thời thôi.''

Qua 4 câu ca dao ấy, có lẽ người nông dân sẽ biết cây nào phù hợp với mùa nào (phù hợp nghĩa là cây sẽ phát triển thuận lợi, mạnh mẽ nhất với mùa ấy, không cần tác động nhiều) và với thành quả mình làm ra, người dân sẽ chẳng phải lo cái ăn quanh năm, mùa nào thức ấy. 

Rau Muống thường sinh trưởng tại các vùng đất trũng
Rau muống vốn là cây dễ sống, sinh trưởng nhanh, thường mọc ở các ao, hồ, nước trũng khu vực nhiệt đới. Trong tự nhiên, hiện nay có 2 loại rau Muống: rau Muống nước và rau Muống cạn. Cách phân biệt này có phần không chính xác vì rau Muống nước có thể sống trên dưới nước và trên cạn, nhưng rau Muống cạn thì ít chịu được úng. Còn có cách phân biệt khác: rau Muống đỏ (tía) và rau Muống trắng. Rau muống đỏ giờ thì ít thấy trong chợ vì rau thân to, dày, khi nấu trông không 'ngon mắt' bằng rau Muống trắng. Rau Muống trắng thường nhỏ hơn, trông non hơn nên được mọi người ưa chuộng.
Khi đi chợ các chị em thường hay lo lắng lựa chọn rau như thế nào. Chúng ta cũng có những câu ca dao về lựa chọn rau như sau: 
'Mua bầu xem cuống,
Mua muống xem lá,
Mua cá xem mang'

Rau Muống Tía

Rau Muống trắng
'...Mua Muống xem lá...' ta nên xem gì ở lá? Thời xưa, ông bà ta chỉ thả rau Muống xuống ao là nó đã tự phát triển thành bè nổi trên nước, khi muốn ăn thì ra ao cắt đọt, nhánh mà tùy nghi sử dụng. Nếu xem lá thì người ăn chỉ xem lá già hay non, lá có dấu hiệu sâu bệnh, quăn lá hay trắng lá... Thời nay, nếu chỉ xem lá không thôi mà mua về vẫn chưa đủ vì người trồng còn tham, dùng thuốc tăng trưởng, thuốc trừ sâu hay đổ chất bẩn xuống ao (dầu, chất chứa kim loại nặng để cho rau mau tăng trưởng...) Đối với rau Muống được dùng thuốc tăng trưởng thì khoảng cách giữa 2 lá khá dài, thân cây non, mềm. Đối với rau Muống dùng thuốc trừ sâu thì rau khá mơn mởn, mướt mát, tươi ngon mắt nhưng có mùi hăng hăng hoặc nếu bón nhiều phân hóa học thì lá có màu xanh đậm, cọng giòn (dễ gãy). Nếu mọi người dừng sự muốn hay muống của mình chỉ ăn rau từ mùa Xuân đến đầu Thu như câu ca dao trên thì người bán cũng không cố trồng trái mùa. Hoặc người trồng bớt muốn hay muống bán ngay, bớt muốn hay muống có tiền ngay thì có lẽ chẳng cần đến thuốc này thuốc kia. Nhưng trên đời không có chuyện 'nếu', 'giá như'... và cái muống vẫn tăng dần. 


Hoa Muống
Rau Muống tự nhiên thường sẽ khằn, già, hơi cứng, thân to, khoảng cách giữa các lá ngắn hơn, so với rau Muống có thuốc. Rau Muống trồng từ hạt thì mất thời gian lâu hơn khoảng 20-30 ngày mới có thể thu hoạch, rau Muống trồng từ thân cây mẹ thì nhanh hơn. Hiện nay còn có phong trào trồng rau Muống trong thùng xốp hay thủy canh... Khi trồng rau trong một môi trường không tự nhiên, cây vẫn có sống được nhưng chỉ được 1-2 lứa đầu, sau đó cây thường có biểu hiện suy thoái, yếu ớt và chết dần. Chất dinh dưỡng và kháng thể (hay sức chịu đựng) của cây sẽ không cao bằng những cây sinh sống trong tự nhiên (môi trường: đất, nước, ánh sáng và các điều kiện khác) Khi người ăn muốn dụng rau như thuốc thì lại cần xem lại nguồn gốc của rau đã trồng hoặc mua. 


 Rau Muống nước thì người dân thường hay luộc, nấu canh với tép/ tôm tươi/tôm khô, còn rau Muống cạn thường được xào (vì đặc tính mềm, non hơn), nhưng với tính tiết kiệm của người dân thì rau Muống nước thường được luộc trước (trần qua) lấy nước làm canh, sau đó rau mang đi xào với tỏi. Đó cũng là cách để làm phong phú bữa ăn mà ngon cơm, tiết kiệm thời gian nấu nướng. Ngoài ra thì rau Muống còn làm gỏi, ăn sống, muối chua (để ăn dần). Có 6 câu thơ thể hiện người đi xa nhớ đến món ăn dân dã, quen thuộc và dễ kiếm. Và xuyên suốt 6 câu thơ thì rau Muống được nhắc kèm với món tương cà. Giờ thì người dân vẫn có thể ăn rau Muống với nước mắm, nước tương (nành), hay với nước thịt/cá kho, kho quẹt, nước mắm nêm...tùy theo sở thích và điều kiện. 

Anh đi anh nhớ quê nhà,
Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương
Nhà em có vại cà đầy,
Có ao rau muống, có đầy chum tương
Còn trời, còn đất, còn mây,
Còn ao rau muống, còn đầy chum tương.



Bài sau
« Prev Post
Bài sau
Next Post »

BẠN NHẬN XÉT

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.